Thuế VAT là gì? Cách tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu

Thuế VAT hay còn được gọi với tên khác là thuế giá trị gia tăng. Đây là loại thuế gián thu được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng khi sử dụng loại hàng phải đóng thuế. Vậy thực chất, thuế VAT là gì? Cách tính thuế giá trị gia tăng cho hàng nhập khẩu như thế nào? Tham khảo ngay bài viết dưới đây để “bỏ túi” cho mình thêm nhiều thông tin quan trọng.

Thuế VAT là gì?

Thuế VAT là loại thuế không còn quá xa lạ khi nhắc đến. Nhưng để thực sự hiểu rõ về loại thuế này thì chắc chắn không phải ai cũng biết. Vậy cụ thể thuế VAT là gì?

Thực tế, khái niệm chi tiết về thuế giá trị gia tăng đã được nêu rõ tại Điều 2 của Luật thuế giá trị gia tăng 2008. Theo đó, thuế giá trị gia tăng được định nghĩa: “Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.” Như vậy, có thể thấy, đây là loại giá được áp dụng thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa mà không thu với toàn bộ giá trị của hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài khái niệm được đưa ra trong Luật thuế giá trị gia tăng 2008 thì trên Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) cũng có tổng hợp thông tin về loại thuế này. Căn cứ vào đó, bạn có thể hiểu về thuế giá trị gia tăng như sau:

Thuế giá trị gia tăng (VAT – Value Added Tax) là một dạng của thuế thương vụ, là một loại thuế gián thu được đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cuối cùng không phải là người đem nộp thuế VAT cho cơ quan thu mà người trực tiếp nộp sẽ là các doanh nghiệp. Nói một cách dễ hiểu thì các công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh,… sẽ thay người tiêu dùng nộp thuế giá trị gia tăng thông qua việc cộng thuế vào giá bán mà người tiêu dùng phải thanh toán khi mua hàng và sử dụng dịch vụ của họ.

Thuế VAT

Khái niệm chi tiết về thuế giá trị gia tăng

Các văn bản pháp quy về Thuế giá trị gia tăng

Để giúp cá nhân, doanh nghiệp nắm được thông tin về thuế giá trị gia tăng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành một số văn bản pháp quy, quy định chi tiết về loại thuế này. Theo đó, có thể kể đến một số loại văn bản như:

  • Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 được Quốc hội ban hành ngày 03/06/2008 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2009. Văn bản này được sửa đổi, bổ sung bởi nhiều văn bản Luật khác, gồm có: Luật số 31/2013/QH13 ngày 19/06/2013; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014; Luật số 106/2016/QH13 ngày 06/04/2016.
  • Luật hợp nhất số 01/VBHN-VPQH do Văn phòng Quốc hội ban hành ngày 28/04/2016 hợp nhất Luật thuế Giá trị gia tăng.
  • Nghị định số 209/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/12/2013 để  Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng.
  • Nghị định số 12/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/02/2015 để Quy định chi tiết Thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế.
  • Nghị định số 100/2016/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 01/07/2016 để Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế.
  • Nghị định số 146/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/12/2017 nhằm Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ.
  • Thông tư số 219/2013/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013 để Hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế Giá trị gia tăng.
  • Ngoài ra còn một số văn bản pháp quy khác như Thông tư số 26/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 27/02/2015; Thông tư số 130/2016/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 12/08/2016; Thông tư số 25/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 16/03/2018 và nhiều văn bản liên quan khác.

Đối tượng nào chịu thuế và không chịu thuế VAT?

Tại Luật thuế giá trị gia tăng 2008 và các văn bản luật khác đã quy định chi tiết về đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế VAT. Căn cứ vào đó, có thể chỉ ra một số đối tượng như sau:

Đối tượng chịu thuế

Tại Điều 3 của Luật thuế giá trị gia tăng 2008 và hướng dẫn chi tiết tại điều 2 Thông tư số 219/2013/TT – BTC đã nêu rõ đối tượng chịu thuế VAT. Cụ thể:

“Đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định”.

Đối tượng không chịu thuế

Tại Điều 5 của Luật thuế giá trị gia tăng 2008 và tại Điều 5 của Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 28/04/2016 đã quy định chi tiết về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Căn cứ vào điều khoản đó, có thể chia ra 5 nhóm đối tượng không phải chịu thuế như:

  • Hàng hóa thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi;  sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm hoặc sơ chế thông thường; phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp,…
  • Hàng hóa thuộc nhóm không chịu thuế theo các cam kết quốc tế như hàng viện trợ nhân đạo, hàng viện trợ không hoàn lại,…
  • Hàng hóa thuộc nhóm không thuộc diện chịu thuế VAT để phù hợp với thông lệ quốc tế như hàng quá cảnh, hàng tạm nhập, tái xuất, hàng chuyển khẩu,…
  • Hàng hóa thuộc nhóm không chịu thuế giá trị gia tăng vì lý do xã hội như nhập khẩu sách giáo khoa,…
  • Các loại hàng hóa không chịu thuế giá trị gia tăng vì một số lý do khác như máy móc, thiết bị, vật tư mà trong nước chưa sản xuất được nhưng cần nhập khẩu để sử dụng cho mục đích nghiên cứu,…

Để nắm được chính xác các đối tượng không chịu thuế VAT theo quy định, bạn có thể tìm đọc Luật thuế giá trị gia tăng 2008 (Điều 5) và Văn bản hướng dẫn số 01/VBHN-VPQH (Điều 5). Tại Điều khoản này đã quy định chi tiết các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định mà bạn có thể áp dụng vào tình huống thực tế.

Thuế VAT

Đối tượng chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định

Ai là người nộp thuế VAT?

Để biết được ai là người phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định, bạn có thể tìm hiểu tại Điều 3 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013. Căn cứ vào Thông Tư, có thể liệt kê những người nộp thuế giá trị gia tăng như sau:

Người nộp thuế VAT là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức và tổ chức kinh doanh. Ngoài ra, những cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng thì phải nộp thuế VAT. Bao gồm:

  • “Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp), Luật Hợp tác xã và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác;
  • Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác;
  • Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam;
  • Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu;
  • Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Quy định về cơ sở thường trú và đối tượng không cư trú thực hiện theo pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

  • Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được thành lập để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế.”

Thuế suất thuế giá trị gia tăng như thế nào?

Hiện nay, tại Điều 8 của Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ban hành ngày 28/04/2016 đã quy định chi tiết về thuế suất thuế giá trị gia tăng. Theo đó, hiện nay thuế suất thuế VAT đang có ba mức là 0%, 5% và 10%. Mỗi mức thuế suất được áp dụng cụ thể với từng hàng hóa, dịch vụ nên bạn cần tìm hiểu kỹ để biết được loại hàng hóa vận chuyển chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng là bao nhiêu.

Căn cứ vào quy định trên, có thể nêu cụ thể một số trường hợp như sau:

  • Mức thuế suất 0% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vận tải quốc tế và hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT theo quy định.
  • Mức thuế suất 5% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ như: nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt; quặng để sản xuất phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng; dịch vụ đào đắp, nạo vét kênh mương, ao hồ phục vụ sản xuất sản xuất nông nghiệp,…. và nhiều loại hàng hóa, dịch vụ khác.
  • Mức thuế suất 10% được áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 của Điều 5 Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH.

Vì vậy, để nắm được chi tiết mức thuế suất cho từng hàng hóa, dịch vụ cụ thể, bạn nên tìm đọc tại Điều 5 của Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH.

Thuế VAT

3 mức thuế suất thuế giá trị gia tăng hiện nay

Cách tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu

Đối với hàng hóa nhập khẩu, cách tính thuế giá trị gia tăng đã được quy định chi tiết, cụ thể trong văn bản luật liên quan. Theo đó, giá tính thuế VAT hàng nhập khẩu đã được quy định tại Điều 7 của Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ban hành ngày 28/04/2016.

Cụ thể: “Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và cộng với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu”.

* Công thức tính thuế giá trị gia tăng của hàng nhập khẩu:

Thuế GTGT của hàng nhập khẩu = (giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) + thuế bảo vệ môi trường (nếu có) ) x thuế suất thuế giá trị gia tăng

Bài viết trên đây của Thông Tiến Logistics đã tổng hợp thông tin chi tiết về thuế VAT. Hy vọng chia sẻ này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về thuế giá trị gia tăng và cách tính thuế đối với hàng nhập khẩu.

* Lưu ý: Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên không còn phù hợp do những thay đổi trong chính sách của pháp luật. Do đó, bạn cần chú ý cập nhật thêm nhiều văn bản luật mới để hiểu rõ hơn về nội dung này.

CAM KẾT

Thông Tiến cam kết hoàn 100% phí vận chuyển quốc tế nếu:

  • Cam kết bồi thường gấp 10 lần nếu hàng hóa của quý khách gặp vấn đề trong quá trình
    vận chuyển hoặc chênh lệch phát sinh trong quá trình xác nhận.

  • Với cam kết giá vận chuyển luôn ở mức tốt nhất cho khách hàng. Thông Tiến Logistics đã,
    đang và ngày càng nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài nước.

  • Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo việc giao nhận với Khách hàng được nhanh và chuẩn
    xác. Mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

  • Chúng tôi đã và đang đầu tư phát triển công nghệ nhiều hơn nữa để hỗ trợ tốt nhất cho
    khách hàng theo dõi và tra cứu đơn hàng của mình 24/7.