Tổng hợp 6 quy tắc phân loại hàng hóa theo HS và trình tự áp dụng cực chi tiết

Phân loại hàng hóa theo HS là nội dung quan trọng được xác định dựa trên 6 quy tắc cơ bản. Các quy tắc này được xây dựng dựa trên hệ thống hài hòa, có tính ràng buộc áp dụng chi tiết cho từng mặt hàng cụ thể. Vậy 6 quy tắc đó là gì? Trình tự áp dụng ra sao? Câu trả lời sẽ được Thông Tiến Logistics giải đáp chi tiết trong bài viết dưới đây.

Các quy tắc phân loại hàng hóa theo HS

Áp dụng các quy tắc để phân loại hàng hóa theo HS là việc làm quan trọng giúp xác định chính xác mã HS cho từng mặt hàng. Tuy nhiên, khi thực hiện, các quy tắc phải được xem xét theo thứ tự. Trong trường hợp quy tắc này không áp dụng được thì mới chuyển qua quy tắc khác.

Phân loại hàng hóa theo HS

6 quy tắc phân loại hàng hóa theo HS bạn cần nắm chắc

Cụ thể, các quy tắc áp dụng gồm có:

Quy tắc 1

Đây được xem là quy tắc tổng quát chung được áp dụng đầu tiên khi tiến hành phân loại hàng hóa. Theo đó, nội dung cụ thể của quy tắc này như sau:

“Tên của các phần, của chương hoặc của phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích dễ tra cứu. Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung của từng nhóm và bất cứ chủ giải của các phần, chương liên quan và theo các quy tắc dưới đây nếu các nhóm hoặc các chủ giải đó không có yêu cầu nào khác.”

Dựa trên nội dung quy tắc, có thể rút ra một số điểm quan trọng mà bạn cần để ý như sau:

  • Thứ nhất, tên của các phần, chương (nhóm), phân chương (phân nhóm) đưa ra chỉ với mục đích dễ tra cứu. Thông tin này không có giá trị pháp lý khi tiến hành phân loại hàng hóa.
  • Thứ hai, để phân loại được hàng hóa, bạn cần tiến hành xác định theo nội dung của từng nhóm, chú giải của phần hoặc chương có liên quan. Khi xác định cần tuân thủ theo các quy tắc 2, 3, 4 hoặc 5 trong trường hợp nhóm hàng hoặc chú giải không có yêu cầu nào khác.

>>> Ví dụ: Chương 39 có tên “Plastic và các sản phẩm bằng plastic”. Mặc dù được làm bằng nhựa, nhưng mặt hàng đồ chơi trẻ em bằng nhựa không áp vào chương 39 này, mà áp vào chương 95.

Quy tắc 2

So với quy tắc 1 thì quy tắc 2 lại có nội dung chi tiết hơn. Cụ thể ở quy tắc này, nội dung sẽ được chia ra làm 2 mục nhỏ. Căn cứ vào từng nội dung để tiến hành phân loại hàng hóa theo HS.

Nếu không thể áp dụng quy tắc 1 khi phân loại thì bạn cần xem xét đến quy tắc 2. Đây là quy tắc được áp dụng cho hàng hóa ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện; ở dạng tháo rời hoặc chưa lắp ráp; ở dạng hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất.

Nội dung của quy tắc như sau:

* Quy tắc 2a

“Một mặt hàng được phân loại vào một nhóm hàng thì mặt hàng đó ở dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện cũng thuộc nhóm đó, nếu đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa đó khi đã hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Cũng phân loại như vậy đối với hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện hoặc đã có đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hay hoàn thiện (hoặc được phân loại vào dạng hàng hóa đã hoàn chỉnh hay hoàn thiện theo nội dung Quy tắc này), nhưng chưa lắp ráp hoặc tháo rời.”

>>> Ví dụ: Mặt hàng xe đẹp dù trong tình trạng thiếu bàn đạp, thiếu yên xe (tức dạng chưa hoàn chỉnh) thì vẫn được xếp mã xe đạp. Trong trường hợp các bộ phận của xe bị tháo rời thì khi phân loại vẫn được áp mã xe đạp.

* Quy tắc 2b

“Một nguyên liệu, một chất được phân loại trong một nhóm nào đó thì hỗn hợp hay hợp chất của nguyên liệu hoặc chất đó với những nguyên liệu hoặc chất khác cũng thuộc nhóm đó. Hàng hóa làm toàn bộ bằng một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó được phân loại trong cùng nhóm. Việc phân loại những hàng hóa làm bằng hai loại nguyên liệu hay hai chất trở lên phải tuân theo Quy tắc 3.”

>>> Ví dụ: Axit sunfuric 100% thuộc nhóm 2807, Nước thuộc nhóm 2201. Khi kết hợp 2 loại này thành hỗn hợp Axit sunfuric và Nước thì hỗn hợp sẽ được áp mã theo chất cơ bản là Axit sunfuric.

Quy tắc 3

Quy tắc 3 sẽ được xem xét để phân loại hàng hóa sau khi không thể áp dụng quy tắc 2. Cụ thể, nếu không thể áp dụng quy tắc 2b hoặc vì một số lý do nào đó, hàng hóa có thể phân loại vào hai hoặc nhiều nhóm thì sẽ cần xét đến quy tắc 3.

Ở quy tắc này, nội dung sẽ được chia ra làm 3 quy tắc nhỏ. Mỗi quy tắc sẽ mô tả chi tiết hoạt động phân loại hàng hóa theo mã HS. Nội dung cụ thể như sau:

* Quy tắc 3a

“Những nhóm có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát khi thực hiện việc phân loại hàng hóa. Tuy nhiên, khi hai hay nhiều nhóm mà mỗi nhóm chỉ liên quan đến một phần của nguyên liệu hoặc chất chứa trong hàng hóa là hỗn hợp hay hợp chất, hoặc chỉ liên quan đến một phần của hàng hóa trong trường hợp hàng hóa đó ở dạng bộ được đóng gói để bán lẻ, thì những nhóm này được coi như thể hiện đặc trưng ngang nhau về những hàng hóa nói trên, ngay cả khi một trong số các nhóm đó có mô tả đầy đủ hơn hoặc chính xác hơn về những hàng hóa đó.”

>>> Ví dụ: Đối với mặt hàng tông đơ, đây là hàng hóa có thể phân vào 2 nhóm. Tuy nhiên, xét về mô tả cụ thể thì tông đơ được xếp vào nhóm 8510: “Tông đơ và các dụng cụ loại bỏ râu, lông, tóc” thay vì xếp vào nhóm 8467: “Dụng cụ cầm tay có gắn động cơ điện”.

* Quy tắc 3b

“Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau hoặc những hàng hóa được làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau, và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo Quy tắc 3a, thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng.”

Đối với hàng hóa hỗn hợp áp theo quy tắc 3b cần đáp ứng được các điều kiện:

  • Phải có ít nhất 2 hàng hóa trở lên. 2 mặt hàng này thoạt nhìn có thể xếp vào nhiều nhóm khác nhau.
  • Gồm nhiều hàng hóa, sản phẩm được xếp với nhau để đáp ứng một yêu cầu nhất định hoặc thực hiện một chứng năng nào đó.
  • Được sắp xếp chung để bán trực tiếp cho người sử dụng mà không cần đóng gói tiếp.

>>> Ví dụ: Bộ sản phẩm làm tóc gồm kéo (8213) , lược (9615), máy kẹp tóc (8510),… đáp ứng đủ các điều kiện theo quy tắc 3b. Do máy kẹp tóc là nhóm sản phẩm chính nên bộ sản phẩm này sẽ được phân vào nhóm 8510.

* Quy tắc 3c

“Khi hàng hóa không thể phân loại theo Quy tắc 3a) hoặc 3b nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.”

Quy tắc 4

Đối với những mặt hàng không thể phân loại theo quy tắc 3 thì sẽ tiến hành xem xét dựa vào quy tắc 4. Theo đó, nội dung của quy tắc 4 được mô tả chi tiết như sau:

“Hàng hóa không thể phân loại theo đúng các Quy tắc trên đây thì được phân loại vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.”

Quy tắc 5

Đây là quy tắc được áp dụng trong phạm vi hàng hóa là hộp, túi, bao và các loại bao bì có hình dạng đặc biệt; Các loại chứa đựng hoặc đi kèm với sản phẩm.

Khác với 4 quy tắc trên, quy tắc 5 được áp dụng riêng và đối với từng hàng hóa cụ thể. Nội dung của quy tắc này được chia ra ra làm 2 quy tắc nhỏ như sau:

* Quy tắc 5a

“Bao đựng máy ảnh, máy quay phim, hộp đựng nhạc cụ, bao súng, hộp đựng dụng cụ vẽ, hộp tư trang và các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này. Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.”

>>> Ví dụ: Các loại hộp đựng máy ảnh, đàn ghita, dụng cụ vẽ,… sẽ được phân vào nhóm cùng với hàng hóa đó. Tuy nhiên, với hộp đựng đặc biệt thì sẽ không áp theo mã của hàng hóa.

* Quy tắc 5b

“Ngoài Quy tắc 5(a) nêu trên, bao bì đựng hàng hóa được phân loại cùng với hàng hóa đó khi bao bì là loại thường được dùng cho loại hàng hóa đó. Tuy nhiên, nguyên tắc này không áp dụng đối với các loại bao bì mà rõ ràng là phù hợp để dùng lặp lại.”

Quy tắc 6

Tương tự như quy tắc 5, quy tắc 6 được áp dụng để phân loại hàng hóa theo cách riêng. Theo đó, nội dung của quy tắc 6 được quy định chi tiết như sau:

“Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải được xác định phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm và các chú giải phân nhóm có liên quan, và các Quy tắc trên với những sửa đổi về chi tiết cho thích hợp, trong điều kiện là chỉ có những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được. Theo Quy tắc này thì các chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có những yêu cầu khác.”

Trình tự áp dụng các quy tắc phân loại hàng hóa theo HS

Khi phân loại hàng hóa theo HS, cần áp dụng các quy tắc một cách thống nhất và theo quy tắc chung. Những quy tắc giải thích chung được đưa ra nhằm đảm bảo cho hàng hóa được phân loại và xác định chính xác mã HS.

Theo đó, 6 quy tắc phân loại phải được áp dụng theo trình tự sau:

  • Từ quy tắc 1 đến quy tắc 4 phải được áp dụng tuần tự, lần lượt.
  • Quy tắc 3a được áp dụng trước quy tắc 3b và 3c. Không áp dụng quy tắc 2 trước quy tắc 3.
  • Đối với quy tắc 5, đây là quy tắc được áp dụng riêng cho các loại bao bì đu cùng hàng hóa.
  • Các quy tắc từ 1 đến 5 được áp dụng cho cấp độ nhóm.
  • Đối với cấp độ 6, đây là quy tắc được áp dụng cho cấp độ phân nhóm.

Bài viết trên đây của Thông Tiến Logistics đã cung cấp thông tin chi tiết về 6 quy tắc phân loại hàng hóa theo HS. Hy vọng, với chia sẻ này bạn đã có thêm kiến thức và hiểu rõ hơn về quy tắc phân loại để xác định được chính xác mã HS cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

CAM KẾT

Thông Tiến cam kết hoàn 100% phí vận chuyển quốc tế nếu:

  • Cam kết bồi thường gấp 10 lần nếu hàng hóa của quý khách gặp vấn đề trong quá trình
    vận chuyển hoặc chênh lệch phát sinh trong quá trình xác nhận.

  • Với cam kết giá vận chuyển luôn ở mức tốt nhất cho khách hàng. Thông Tiến Logistics đã,
    đang và ngày càng nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài nước.

  • Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo việc giao nhận với Khách hàng được nhanh và chuẩn
    xác. Mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

  • Chúng tôi đã và đang đầu tư phát triển công nghệ nhiều hơn nữa để hỗ trợ tốt nhất cho
    khách hàng theo dõi và tra cứu đơn hàng của mình 24/7.