Thuế nhập khẩu là gì? Người nộp thuế là ai? Căn cứ tính thuế như thế nào?

Thuế nhập khẩu là loại thuế quan vốn đã quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên để hiểu rõ về loại thuế này thì không phải ai cũng biết. Đặc biệt, với những người ít tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu thì gần như họ không hiểu thuế nhập khẩu là gì? Người nộp thuế là ai? Và căn cứ tính thuế như thế nào? Do đó, để giúp bạn nắm được thông tin cơ bản về loại thuế này, Thông Tiến Logistics sẽ chia sẻ chi tiết trong bài viết dưới đây.

Thuế nhập khẩu (Thuế NK) là gì?

Thuế nhập khẩu là sắc thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa trong quan hệ thương mại quốc tế. Cụ thể, đây là loại thuế thu với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu với mục đích tạo nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo hộ sản xuất và can thiệp vào quá trình trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.

Theo Từ điển Kinh tế học (Anh – Việt) giải thích: “Thuế nhập khẩu (import duty), là khoản thuế mà Chính phủ đánh vào sản phẩm nhập khẩu. Thuế NK được sử dụng để tăng nguồn thu cho Chính phủ và bảo vệ các ngành sản xuất trong nước khác với sự cạnh tranh của nước ngoài”

Còn Theo Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) thì “thuế nhập khẩu là loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu”. Theo đó, khi phương tiện vận tải là máy bay, ô tô, tàu biển,… vận chuyển hàng đến cửa khẩu biên giới, cảng hàng không quốc tế, cảng biển quốc tế,… thì cán bộ Hải quan sẽ kiểm tra hàng hóa và tính thuế NK phải nộp theo công thức đã được quy định.

Loại thuế này phải nộp trước khi hàng hóa thông quan để người nhập khẩu có thể đưa hàng lưu thông vào thị trường nội địa. Trong trường hợp, hàng hóa nhập khẩu được áp dụng chính sách ân hạn thuế hay có bảo lãnh nộp thuế thì sẽ được quy định riêng về tính thuế.

Thuế nhập khẩu

Khái niệm về thuế NK hiện nay bạn cần nắm được

Đặc điểm và mục đích của thuế NK hàng hóa

Thông thường, loại thuế này sẽ có những đặc điểm và mục đích thu cụ thể như sau:

Đặc điểm

  • Về bản chất, đây là loại thuế gián thu, chỉ mang tính chất tương đối và được thu với những hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định.
  • Là loại thuế gắn liền với hoạt động kinh tế đối ngoại (ngoại thương) của một quốc gia. Do đó, khi thu loại thuế này vừa góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa thể hiện được chủ trương, chính sách đối ngoại của nhà nước trong từng thời kỳ.
  • Loại thuế này chỉ do cơ quan Hải quan quản lý trực tiếp thu.

Mục đích

Theo Wikipedia thì thuế NK được thu với mục đích chủ yếu là tăng thu cho ngân sách. Tuy nhiên, loại thuế này cũng có thể được thu với nhiều mục đích khác như:

  • Hạn chế nhập khẩu bằng cách khiến sản phẩm nhập về có giá đắt hơn mặt hàng trong nước. Nhờ đó, tình trạng thâm hụt trong cán cân thương mại được giảm đi đáng kể.
  • Hạn chế hành vi phá giá bằng cách tăng giá hàng nhập khẩu lên mức giá chung của thị trường.
  • Bảo hộ cho lĩnh vực sản xuất “then chốt” trong nước. Đồng thời cũng bảo vệ cho ngành công nghiệp non trẻ để có thể đứng vững trên thị trường.
  • Không khuyến nhập khẩu các loại hàng xa xỉ phẩm đi ngược lại với truyền thống văn hóa của dân tộc,…

Các quy định về thuế NK hiện nay như thế nào?

Tương tự như thuế xuất khẩu, thuế NK cũng được quy định cụ thể trong các văn bản luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cụ thể, để tìm hiểu chi tiết về các quy định về thuế NK hiện nay, bạn có thể tìm đọc một số văn bản luật như:

  • Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 – Luật số 107/2016/QH13 được ban hành ngày 06/04/2016 bởi Quốc hội.
  • Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 01/09/2016 bởi Chính phủ nhằm Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
  • Nghị định số 122/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 01/09/2016 bởi Chính phủ nhằm Quy định về  Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
  • Nghị định số 125/2017/NĐ-CP được ban hành ngày 16/11/2017 bởi Chính phủ nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Và một số văn bản hướng dẫn liên quan khác.

Thuế nhập khẩu

Một số văn bản liên quan quy định về thuế nhập khẩu

Các loại thuế nhập khẩu hàng hóa phổ biến

Hiện nay, thuế NK đang được phân ra thành nhiều loại căn cứ vào một số tiêu chí nhất định. Cụ thể gồm có:

  • Căn cứ vào mục đích có 3 loại thuế là loại thuế được thu để tạo nguồn thu, loại thuế được thu để bảo hộ và loại thuế được thu để trừng phạt.
  • Căn cứ vào phạm vi tác dụng có thể chia thành 2 loại thuế là thuế tự quản và thuế NK theo cam kết quốc tế.
  • Căn cứ vào cách thức đánh thuế được chia thành 4 loại thuế là thuế tuyệt đối, thuế theo tỷ lệ phần trăm, thuế hỗn hợp và thuế theo lượng thay thế.

Đối tượng chịu thuế và người nộp thuế là ai?

Tại Điều 2 và Điều 3, Chương I của Luật thuế xuất khẩu, thuế NK 2016 đã quy định chi tiết về đối tượng chịu thuế và người nộp thuế.  Căn cứ vào đó, có thể liệt kê một số thông tin như sau:

Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế khi nhập khẩu hàng hóa gồm có:

  • Hàng hóa nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới của Việt Nam.
  • Hàng hóa được nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước.
  • Hàng hóa nhập khẩu tại chỗ, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối.

Ngoài những đối tượng phải chịu thuế theo quy định thì cũng có những đối tượng không phải chịu thuế. Cụ thể tại Khoản 4, Điều 2, Chương I Luật thuế xuất khẩu, thuế NK 2016 đã nêu rõ:

  • “Hàng hóa quá cảnh, chuyển khẩu, trung chuyển;
  • Hàng hóa viện trợ nhân đạo, hàng hóa viện trợ không hoàn lại;
  • Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác;
  • Phần dầu khí được dùng để trả thuế tài nguyên cho Nhà nước khi xuất khẩu.”

Người nộp thuế

Cũng tại Điều 3 của Luật này đã quy định chi tiết về người nộp thuế như sau:

  • Chủ hàng hóa nhập khẩu.
  • Tổ chức nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa.
  • Những người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa nhập khẩu, có thể gửi hoặc nhận hàng qua cửa khẩu, biên giới của Việt Nam.
  • Những người được người phải nộp thuế ủy quyền, bảo lãnh và tiến hành nộp thuế thay cho họ. Đó có thể là:
  • Đại lý làm thủ tục hải quan được người nộp thuế ủy quyền để nộp thuế.
  • Công ty, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế, dịch vụ bưu chính được ủy quyền để nộp thuế thay người nộp thuế.
  • Các tổ chức tín dụng hoặc các tổ chức khác hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng trong trường hợp bảo lãnh, nộp thuế thay cho người phải nộp thuế.
  • Những người được chủ hàng ủy quyền nộp thuế thay trong trường hợp hàng hóa đó là quà biếu, quà tặng của cá nhân, hàng lý gửi trước hoặc sau chuyến đi của người xuất cảnh, nhập cảnh.
  • Chi nhánh của doanh nghiệp đó tại quốc gia đó được nộp thuế thay.
  • Những người được ủy quyền nộp thuế thay cho người phải nộp thuế theo quy định của pháp luật.
  • Những người tại biên giới tiến hành thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới, nhưng lại không sử dụng số hàng đó để sản xuất, tiêu dùng mà đem bán tại thị trường trong nước. Ngoài ra, những thương nhân nước ngoài được phép kinh doanh hàng hóa xuất nhập khẩu ở chợ biên giới sẽ phải nộp thuế theo quy định.
  • Những người có hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng được miễn thuế, không phải chịu thuế, nhưng sau đó lại thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật.
  • Và một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thuế nhập khẩu

Đối tượng và người nộp thuế theo quy định

Căn cứ tính thuế nhập khẩu như thế nào?

Hiện nay, để giúp cá nhân, doanh nghiệp nắm được cách tính thuế nhập khẩu, tại Điều 5 và Điều 6, Chương II của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 đã nêu rõ một số căn cứ theo quy định. Dựa trên thông tin này, có thể chia ra thành 2 căn cứ chính như sau:

Căn cứ tính thuế áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm

Phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm là việc xác định thuế theo phần trăm (%) của trị giá tính thuế hàng hóa nhập khẩu.

Số tiền thuế đối với hàng hóa nhập khẩu phải nộp sẽ được xác định dựa vào giá trị tính thuế và thuế suất theo tỷ lệ % của từng mặt hàng cụ thể tại thời Điểm tính thuế. Trong đó, thuế suất của hàng hóa nhập khẩu gồm có 3 loại là thuế suất ưu đãi, thuế suất ưu đãi đặc biệt, thuế suất thông thường. Theo đó, thuế suất nhập khẩu sẽ được áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể.

Để biết cụ thể về những trường hợp áp dụng từng loại thuế suất, bạn có thể tham khảo tại Khoản 3, Điều 5, Chương II của Luật này.

* Công thức tính thuế NK theo tỷ lệ %:

Thuế NK = Trị giá tính thuế NK  x Thuế suất hàng hóa nhập khẩu

Căn cứ tính thuế áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối và phương pháp tính thuế hỗn hợp

1. Phương pháp tính thuế tuyệt đối

    • Đây là việc ấn định số tiền thuế nhất định trên một đơn vị hàng hóa nhập khẩu.
    • Số tiền thuế phải nộp được tính theo phương pháp này được xác định dựa vào lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu và mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa tính tại thời Điểm tính thuế.

* Công thức tính thuế theo phương pháp tuyệt đối: 

Thuế NK = Số lượng hàng hóa thực tế nhập khẩu x Mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa

2. Phương pháp tính thuế hỗn hợp

  • Là việc áp dụng đồng thời hai phương pháp tính thuế là tính thuế theo tỷ lệ % và tính thuế tuyệt đối.
  • Số tiền thuế được tính theo phương pháp này với hàng nhập khẩu được xác định là tổng số tiền thuế theo tỷ lệ % và tổng số tiền thuế theo tuyệt đối.

Các loại thuế khi nhập khẩu hàng hóa bạn cần nắm chắc

Khi nhập khẩu hàng hóa vào thị trường trong nước, bạn cần nắm chắc thông tin về các loại thuế liên quan. Theo quy định hiện hành thì khi nhập khẩu hàng hóa, tùy vào loại hình và loại hàng nhập khẩu mà doanh nghiệp có thể phải nộp một số loại thuế như:

  • Thuế NK là loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài trong quá trình nhập khẩu. Việc thu loại thuế này nhằm mục đích tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, bảo hộ sản xuất và can thiệp vào hoạt động trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia.
  • Thuế VAT hay còn được gọi là thuế giá trị gia tăng là loại thuế được tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa hay dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tay người tiêu dùng.
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián được đánh vào một số loại hàng đặc biệt, thường là hàng mang tính chất xa xỉ do doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ. Việc thu loại phí này có mục đích chủ yếu là điều tiết việc sản xuất, tiêu dùng xã hội, điều tiết thu nhập của người dân và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
  • Thuế bảo vệ môi trường cũng là một trong những loại thuế gián thu đánh vào sản phẩm, hàng hóa mà khi sử dụng gây ảnh hưởng, tác động xấu đến môi trường như xăng dầu, túi nilon, mỡ nhờn,…
  • Thuế tự vệ là loại thuế bổ sung được thu với trường hợp nhập khẩu quá mức vào Việt Nam gây thiệt hại, đe dọa đến ngành sản xuất trong nước hoặc có thể gây ra sự cản trở quá trình hình thành của ngành sản xuất trong nước.
  • Thuế chống bán phá giá cũng là khoản thuế bổ sung đánh vào các loại hàng nước ngoài bị bán phá giá vào nước nhập khẩu. Đây là loại thuế được thu với mục đích chống việc bán phá giá và loại bỏ những tác động, thiệt hại do việc nhập hàng bán phá giá gây ra.
  • Thuế chống trợ cấp là khoản thuế bổ sung được thu với hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam khi gây ra ảnh hưởng hoặc đe dọa đến ngành sản xuất trong nước.
Thuế nhập khẩu

Một số loại thuế được áp dụng đối với hàng hóa khi nhập khẩu

Bài viết trên đây của Thông Tiến Logistics đã tổng hợp thông tin chi tiết về thuế nhập khẩu và các loại thuế liên quan khi nhập khẩu hàng hóa. Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Để tìm hiểu chi tiết, bạn có thể tìm đọc các văn bản pháp quy quy định về loại thuế này.

* Lưu ý: Mọi thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung trên không còn phù hợp do những thay đổi trong chính sách của pháp luật. Do đó, bạn cần chú ý cập nhật thêm nhiều văn bản luật mới để hiểu rõ hơn về nội dung này.

CAM KẾT

Thông Tiến cam kết hoàn 100% phí vận chuyển quốc tế nếu:

  • Cam kết bồi thường gấp 10 lần nếu hàng hóa của quý khách gặp vấn đề trong quá trình
    vận chuyển hoặc chênh lệch phát sinh trong quá trình xác nhận.

  • Với cam kết giá vận chuyển luôn ở mức tốt nhất cho khách hàng. Thông Tiến Logistics đã,
    đang và ngày càng nhận được sự ủng hộ của khách hàng trong và ngoài nước.

  • Chúng tôi luôn nỗ lực để đảm bảo việc giao nhận với Khách hàng được nhanh và chuẩn
    xác. Mang lại lợi ích tốt nhất cho khách hàng.

  • Chúng tôi đã và đang đầu tư phát triển công nghệ nhiều hơn nữa để hỗ trợ tốt nhất cho
    khách hàng theo dõi và tra cứu đơn hàng của mình 24/7.